Xe gắn thêm cản sau tăng độ an toàn, tránh trầy xước khi va chạm, không ảnh hưởng tới những phương tiện khác nhưng về luật lại không được phép.
Độc giả Lê Huy từng đưa câu hỏi trên VnExpress về việc ôtô gắn bảo vệ cản sau thì bị CSGT phạt. Trước thắc mắc này, có rất nhiều độc giả đưa ý kiến tạo hai luồng quan điểm. Nhiều người cho rằng bị phạt là chính xác vì thay đổi kết cấu, kích thước của xe. Nhưng số độc giả khác lại nghĩ không thể phạt vì không ảnh hưởng tới an toàn giao thông, đồng thời cơ quan đăng kiểm không phản ánh gì thì việc được chạy là bình thường.
Để trả lời câu hỏi này, ý kiến của các luật sư cho rằng chiếu theo luật thì CSGT phạt là chính xác. Theo luật sư Đặng Thành Chung (đoàn luật sư thành phố Hà Nội), Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Mặt khác tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có định nghĩa cải tạo xe cơ giới như sau:
“Cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành của xe cơ giới. Trường hợp thay thế hệ thống, tổng thành bằng hệ thống, tổng thành khác cùng kiểu loại, của cùng nhà sản xuất (cùng mã phụ tùng) thì không phải là cải tạo”.
Như vậy, việc thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí bộ phận của xe cơ giới như đã nêu trên thì chủ xe phải thực hiện trình tự, thủ tục cải tạo tại Cơ quan đăng kiểm theo hướng dẫn tại Thông tư 85/2014/TT-BGTVT để làm thủ tục cải tạo xe cơ giới. Xe cơ giới sau khi cải tạo phải được đơn vị kiểm định cấp giấy chứng nhận cải tạo.
Trường hợp chủ xe gắn thêm khung bảo vệ cản sau khi chưa được Cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận cải tạo mà vẫn lưu thông trên đường bộ là vi phạm quy định về cải tạo xe và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định ở nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.
Đại diện Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đăng kiểm sẵn sàng chứng nhận kiểm định cho những xe có gắn thêm bộ phận để bảo vệ an toàn cho xe, nhưng những bộ phận đó phải nằm trong gói cung cấp tùy chọn của hãng xe, không ảnh hưởng tới an toàn của xe lắp cũng như những phương tiện khác khi lưu thông trên đường.
Nếu sau khi đăng kiểm chủ xe mới gắn thêm những bộ phận như khung bảo vệ cản sau, làm thay đổi kích thước tổng thể của xe (chiều dài, rộng, cao, khoảng sáng gầm) thì CSGT phạt theo luật là chính xác. Hiện nay sổ đăng kiểm có hình ảnh kèm theo của xe nên cơ sở để phạt càng chắc chắn.
Các hãng xe ở Việt Nam như Thaco, Honda, Hyundai... đều cho biết, hãng không cung cấp các gói tùy chọn làm thay đổi kích thước. Nếu có những bộ phận đặc thù làm thay đổi kích thước tiêu chuẩn như thay ray chở hàng trên nóc xe thì những phần thêm này đều nằm trong gói cung cấp của mỗi phiên bản ngay từ ban đầu, được thể hiện trên sổ đăng kiểm.
Như vậy, tổng hợp lại nếu những bộ phận lắp thêm trên xe như bảo vệ cản sau, làm thay đổi kích thước, kết cấu của xe, nhưng không được thể hiện trong sổ đăng kiểm thì CSGT có quyền phạt.
Tuy nhiên, ý kiến của cơ quan đăng kiểm cũng như các chuyên gia giao thông cho biết, cần có cái nhìn và quy định thông thoáng hơn về việc gắn thêm các bộ phận trên xe. Ở những nước tiên tiến, chủ xe có thể gắn thêm giá chở đồ, khung bảo vệ để phục vụ nhu cầu mà không bị phạt, miễn là những thay đổi này nằm trong một giới hạn cho phép.
Từ thực tế sử dụng và phân tích ảnh hưởng, các chuyên gia cho rằng các cơ quan thẩm quyền nên nới lỏng quy định, sao cho phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân đồng thời không ảnh hưởng đến an toàn, mỹ quan.
Chẳng hạn các bộ phận gắn thêm không được khiến kích thước xe tăng thêm quá 50 mm hay 60 mm, 70 mm, khi đó người dùng có cách để hài hòa giữa luật và cuộc sống.
Đức Huy