Thay đổi một số từ ngữ để giảm đi số lượng từ nhưng phải tuân thủ quy chuẩn giúp dễ hiểu, chính xác và đúng nghĩa.
Trong khi rất nhiều văn bản, sách giáo khoa, giáo trình và tài liệu khác sử dụng đúng các từ khối lượng, trọng lượng, trọng tải và tải trọng thì trong một số văn bản giao thông đường bộ lại dùng lẫn lộn và đang gây ra sự hiểu nhầm không thống nhất giữa các bên quản lý đường bộ, cảnh sát giao thông, doanh nghiệp vận tải, lái xe và trong cộng đồng.
Chỉ cần mở cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) đã thấy gần như rõ ràng, mà chưa cần đến các căn cứ pháp lý như Luật của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về Đo lường, Công ước Viên 1968 và Tiêu chuẩn quốc gia 7870-1:2010 về Đại lượng và đơn vị. Bên cạnh đó, nước ta còn có cả một Viện Đo lường.
Dựa vào các căn cứ nói trên, ở bài trước chúng tôi đã đề xuất thay cụm từ tải trọng của đường bộ. Bài này đưa ra kiến nghị: hãy tiếp tục sử dụng (đúng nghĩa) từ trọng tải của xe; còn các từ tải trọng và trọng lượng của xe đang dùng cần nhất loạt được thay thế bằng từ khối lượng, cụ thể như sau.
Giữ lại từ trọng tải
Trọng tải là khối lượng lớn nhất có thể chở được của một phương tiện vận tải. Nó là một con số cố định đo bằng kilôgam (kg) hoặc tấn (t), được xác định từ ý định của nhà thiết kế chế tạo xe ban đầu hoặc khi cải tạo xe cũ. Nói xe dưới 5 tấn hay xe có trọng tải 10 tấn thì 5t hay 10t là trọng tải của xe (tương tự như nói: tàu 50.000 tấn, cần trục 16 tấn, sà lan 100 tấn...).
Trọng tải không phải là khối lượng chở thực trên đường, cũng không bao gồm khối lượng bản thân xe và không được lẫn với tải trọng. Khi cộng trọng tải (thiết kế hoặc sau cải tạo) với khối lượng bản thân xe sẽ được tổng khối lượng lớn nhất (cho phép) của xe. Ba thông số kỹ thuật này đều thuộc lý lịch của xe, được ghi trong Giấy Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (Giấy CNKĐ) do Đăng kiểm cấp.
Nếu dùng với nghĩa như vậy thì nên giữ lại các từ trọng tải và vượt trọng tải.
Thay thế các từ tải trọng và trọng lượng của xe.
Các từ tải trọng và trọng lượng của xe đang dùng với đơn vị kilôgam (kg) hay tấn (t) trong một số văn bản là không đúng nghĩa. Thực ra, đó đều là khối lượng. Khi thay bằng từ khối lượng, các thông số về khối lượng của xe được chia thành hai nhóm.
Nhóm 1 thuộc hồ sơ lý lịch của xe, gồm bốn thông số không thay đổi được ghi trong Giấy CNKĐ:
- Khối lượng bản thân;
- Trọng tải (thiết kế hoặc sau cải tạo);
- Tổng khối lượng lớn nhất (bằng tổng của khối lượng bản thân và trọng tải);
- Khối lượng kéo theo lớn nhất.
Nhóm 2, gồm ba thông số thay đổi khi xe vận hành trên đường:
- Khối lượng chở thay đổi theo mỗi chuyến vận chuyển trên đường, có thể ít hay nhiều. Vì có trường hợp xe còn chở những thứ khác không phải hàng hóa, và ở đây, ta chỉ quan tâm xe nặng mức nào, nên chỉ dùng chở, mà không dùng hàng hóa chuyên chở (từ “hàng hóa” đã được định nghĩa ở Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12);
- Khối lượng toàn bộ = Khối lượng bản thân + Khối lượng chở;
- Khối lượng trên trục xe là phần của khối lượng toàn bộ phân bố trên mỗi trục xe.
Cân xe ở trạm là cân toàn bộ xe. Kết quả cân xe (đo bằng kg hay t) sẽ cho biết:
- Xe đó có vượt trọng tải hay không, khi đối chiếu kết quả cân với tổng khối lượng lớn nhất ghi trong Giấy CNKĐ. Xe vượt trọng tải là xe vi phạm điều kiện an toàn kỹ thuật của xe. Khi vượt trọng tải, nó có thể gây tai nạn trên đường, chẳng hạn do nổ lốp, gẫy nhíp, đổ vỡ thùng xe, mất lái hoặc mất tác dụng phanh do quán tính lớn hay bị lật khi vào đường vòng...;
- Xe đó có quá tải trên tuyến/đoạn tuyến hay không, khi đối chiếu kết quả cân xe với năng lực chịu tải của cầu đường biểu thị bằng các biển cấm 106, 115, 116 được cắm trên tuyến/đoạn tuyến đó. Do chở quá nặng, vượt giới hạn khối lượng ghi trên biển cấm, nó có thể gây hư hỏng, thậm chí phá hủy cầu đường trên tuyến/đoạn tuyến đó.
- Xe đó có vừa vượt trọng tải vừa quá tải hay không.
Ngoài ra, các từ tải trọng và trọng lượng khác trong văn bản cần được thay đổi như sau:
- Trạm kiểm tra tải trọng thay bằng trạm cân xe, vừa là từ thuần Việt, dễ hiểu lại sát nghĩa tiếng Anh (weigh station hay weighbridge), trong đó weigh là động từ cân;
- Cân tải trọng xe thay bằng cân xe;
- Kiểm soát tải trọng xe thay bằng kiểm soát khối lượng xe;
- Xe quá tải trọng thay bằng xe quá tải (tải ở đây là chở, không phải là tải trọng);
- Tên biển số 115, Hạn chế trọng lượng thay bằng Giới hạn khối lượng; biển số 116, Hạn chế trọng lượng trên trục thay bằng Giới hạn khối lượng trên trục.
Nhân đây, tên các biển khác có từ hạn chế, từ biển 115 đến 120, như hạn chế tốc độ, hạn chế chiều cao, hạn chế chiều ngang..., đều nên thay bằng từ giới hạn, bởi trên các biển đó đã ghi một ngưỡng cụ thể, một con số xác định; mặt khác, trong nhiều văn bản khác nhau, từ giới hạn được dùng thường xuyên khi liên quan đến các biển báo này, trong khi từ hạn chế không bao giờ xuất hiện.
Các biển báo điện tử (VMS) thường hiển thị tất cả các chữ bằng kiểu chữ hoa. Nhưng cần lưu ý rằng, các ký hiệu đơn vị luôn phải viết đúng pháp định, ví dụ: kg, t, m, km, km/h, kWh, MHz, v.v, bất kể những chữ xung quanh viết kiểu chữ gì. Các ký hiệu kG, KG, T, M, KM, Km, MHZ đều là trái pháp luật.
Thay đổi triệt để như trên, trước mắt là trong bản dự thảo quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ sắp ban hành thay thế QCVN 41:2012/BGTVT, sau đó đến các văn bản khác khi chúng được bổ sung hoặc thay thế, sẽ làm giảm đi đáng kể số lượng từ ngữ; và điều quan trọng là chúng đã tuân thủ các quy định pháp luật cao nhất, trở nên dễ hiểu, chính xác, đúng nghĩa đã cho trong từ điển và thống nhất với các ngành khoa học khác.
Độc giả Phan Văn Khôi
Bài viết do Lương Dũng biên tập
Liên hệ: luongdung@vnexpress.net