Nếu dễ tiếp cận ôtô hơn, thì có thể sẽ tắc đường, nhưng cảnh khổ sở vì chen chúc trên xe về quê chắc không còn.
Như thường lệ, năm nào cũng như năm nào, người ta chen nhau về quê cho bằng được vào những dịp lễ. Đó là điều đương nhiên và dễ hiểu. Nhưng hình ảnh xe khách 29 chỗ nhồi tới 90 người đã thể hiện tất cả về một Việt Nam phát triển lệch lạc, bấp bênh.
Tôi nhớ lại một lần lên xe khách về quê. Xe 16 chỗ nhưng cũng phải tới 30 người. Dù con số này chưa ăn thua so với 90 người, nhưng trong một chiếc Ford Transit bé tin hin, mọi chuyện lại chẳng hề đơn giản.
Tôi lên sau, khi tất cả mọi chỗ đều kín mít. Anh tài xế luôn miệng thúc giục, nhảy vào trong sâu đi, nhanh không CSGT tới bây giờ. Tôi đang không hiểu vào trong là vào đâu khi hết chỗ ngồi, thì anh ta thúc tiếp "hàng dưới cùng kìa, mới chỉ có 6 người thôi", trong khi ở đó chỉ 4 ghế, tức thêm tôi là 7 người chia nhau 4 ghế.
Tháo giày xách trên tay, ôm chiếc túi đựng laptop khư khư trong lòng, phải cố gắng lắm tôi mới vào tới nơi, trong khi quần áo đã không còn chỉnh tề mà xộc xệch như vừa vật lộn với ai. Khó khăn lắm tôi mới kiếm được chỗ để hai bàn chân đều chạm sàn xe. Bây giờ là tìm chỗ ngồi. Ngồi ư? Quá khó với một người cao 1,76 m và nặng 71 kg như tôi. Cháu bé 10 tuổi may ra còn có hy vọng. Thế là chấp nhận, tôi đứng khom lưng suốt 3,5 giờ đồng hồ về quê.
Tự hỏi, người ta chen nhau lên Hà Nội để làm gì rồi những ngày nay lại hối nhau về quê. Và rồi tôi cũng không phải cố gắng tìm cách giải thích nữa mà tự trả lời khi giật mình nhận ra rằng, tôi cũng giống như họ mà thôi, nguyên nhân thì tự biết.
Nếu muốn biết xã hội Việt Nam đang thế nào, cứ đi xe khách một lần. Điều đó không sai. Ở hàng trên, 5 cụ già cũng phải chịu cảnh chia nhau 4 ghế. Hàng nữa, chị gái trẻ nách 2 con thơ, trong khi một cháu khóc quấy suốt cả nửa hành trình. Dưới đây, cậu thanh niên trẻ có lẽ là sinh viên về quê, mang theo cả mấy tấm lịch rồi bằng khen giải thưởng gì đó mà trường trao tặng.
Đó mới chỉ là quan sát bằng mắt, những giác quan khác của cơ thể còn được cảm nhận rõ rệt hơn. Mũi tôi ngửi thấy mùi lạ, mọi người trên xe lần lượt bịt mũi, lôi khẩu trang ra đeo. Hóa ra một cô bé say xe đang nôn ói. Chưa hết, còn có mùi đồ ăn thức uống, trái cây đủ loại mà người ta mang ăn đường, mang về quê làm quà.
Tai cũng có dịp làm việc. Tiếng khóc la hét của cháu bé khi nãy hòa quyện vào tiếng nhạc bolero của dàn loa tậm tịt rè rè, cộng với mấy thanh niên nhưng buôn chuyện như sáo sậu, cười nói phớ lớ như ở nhà riêng tạo nên một xe âm thanh hổ lốn. Người nhễ nhại mồ hôi, chân mỏi ra rồi, tay không chỗ bám víu. Về quê kiểu này với tôi, là một cực hình, thì với người già, trẻ em không biết còn là gì nữa.
Lúc đó tôi chỉ ước, giá mà Việt Nam phát triển đồng đều hơn về kinh tế giữa các thành phố, để mọi người không tập trung đổ xô về thành phố lớn. Giá mà hệ thống giao thông công cộng đồng bộ hơn, để không ai phải chen chúc. Giá mà giá xe ôtô giảm đi đôi chút để người dân dễ tiếp cận. Rồi giá mà những khoản đầu tư vô ích vào công trình nghìn tỷ chỉ để ngắm được sử dụng cho nâng cấp hạ tầng giao thông, thì mọi thứ chắc cũng dễ thở hơn đôi chút.
Nhưng đó chỉ là giá như. Còn bây giờ, có ai nói tôi ích kỷ thì cũng kệ. Tôi sợ cảnh về quê kiểu đó. Giá xe không giảm thì thôi, tôi tìm cách kiếm nhiều tiền hơn để mua xe riêng vậy. Tôi không phải lãnh đạo đất nước để nghĩ được sâu xa rằng tăng phương tiện cá nhân sẽ tắc đường. Tôi là người thường, và chỉ nghĩ đơn giản, có xe ôtô tôi và gia đình sẽ dễ chịu hơn vào những đợt nghỉ lễ như thế này, như thế có gì là sai!
Nguyên Khoa
Đức Huy biên tập
Liên hệ: duchuy@vnexpress.net